Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh: Thành lập Thành phố Hồ Chí Minh mới – siêu đô thị trung tâm của vùng Đông Nam Bộ
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn mới, phương án thành lập Thành phố Hồ Chí Minh mới – thành phố trực thuộc trung ương – đang được nghiên cứu và xây dựng. Theo phương án này, sẽ tiến hành sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc sáp nhập không chỉ là yêu cầu về mặt hành chính, tổ chức bộ máy, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc phát huy tiềm năng tổng hợp, khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn lực con người, tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển của ba địa phương.
Sau khi sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ có diện tích 6.772,65 km² (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn diện tích của đơn vị hành chính cấp tỉnh), quy mô dân số đạt 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn dân số), với 190 đơn vị hành chính trực thuộc. Thành phố mới sẽ là siêu đô thị hiện đại, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư, tạo động lực lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương lân cận.
Đặc biệt, mô hình tổ chức chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ thực hiện theo mô hình chính quyền hai cấp – cấp thành phố và cấp cơ sở – đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ba trung tâm hành chính – chính trị của Thành phố sẽ được bố trí đồng thời tại: số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1 (TP.HCM); Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, thành phố Thủ Dầu Một); và Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (số 01 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa). Cách bố trí này vừa kế thừa hạ tầng hiện có, vừa bảo đảm tính liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành, quản lý, phục vụ nhân dân và phát triển đồng đều giữa các khu vực trong thành phố mới.
Việc sáp nhập ba địa phương để hình thành một Thành phố Hồ Chí Minh mới không chỉ là bước đi quan trọng trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cả vùng Đông Nam Bộ trong bối cảnh đất nước đổi mới toàn diện, hướng tới phát triển nhanh, bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Đây là dấu mốc lớn, mở ra giai đoạn phát triển mới, với vai trò trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu của quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
